Ai đã từng một lần qua
Phan Thiết có lẽ sẽ khó quên khoảng không gian đầy thương mến nơi thành phố này. Uốn lượn cong cong chảy vào giữa lòng thành phố, dòng Cà Ty tô điểm thêm nét riêng cho xứ biển. Trên dòng
Cà Ty êm đềm, con thuyền lẻ loi ngược dòng đi về bến cũ như đánh thức hoài niệm một thời xa vắng. Để rồi, hôm nay có chút gì để nhớ nhớ thương thương.

Cà Ty là tên gọi khác của dòng sông Mường Mán. Dài 65 km, sông Mường Mán bắt nguồn từ vùng rừng núi Tánh Linh chảy qua địa phận huyện Hàm Thuận Bắc. Riêng đoạn cuối từ đập Phú Hội đổ về
Phan Thiết dài chừng 7 km. Đoạn cuối cùng này, người dân địa phương thường gọi là Cà Ty. Theo một số tài liệu, tên gọi
Cà Ty xuất hiện trên bản đồ từ năm 1898 khi
Phan Thiết được công nhận là thị xã của tỉnh Bình Thuận. Còn chính xác người dân Phan Thiết sử dụng tên gọi Cà Ty từ bao giờ, thì không ai biết được. Chỉ biết rằng, cho đến hôm nay cái tên Cà Ty như một phần không thể thiếu mỗi khi nhắc đến thành phố Phan Thiết.
Bình Thuận có cả thảy 7 dòng sông chính. Có cùng đặc điểm chung: phần nhiều nhỏ hẹp, độ dốc cao, mùa mưa đầy ắp nước còn mùa nắng thì cạn nhách, thậm chí khô cằn; nhưng mỗi dòng lại mang một nét riêng. Trong đó, Cà Ty có phần khác biệt. Khác với dòng La Ngà, sông Cái, sông Phan… sông Cà Ty được mệnh danh là dòng sông thủy triều. Vào mùa nắng, khi nước đầu nguồn của dòng Mường Mán cạn kiệt, không đủ sức đổ về cửa biển, thế mà Cà Ty vẫn có nước quanh năm. Nếu là người Phan Thiết, ai cũng có thể thấy hiện tượng này. Nhưng, có bao giờ chúng ta dừng chân bên bờ sông để lý giải điều đó? Có lẽ, chỉ những người yêu lắm dòng sông mới thắc mắc, tìm hiểu nguyên nhân, lý giải cho rõ ngọn nguồn. Sở dĩ dòng Cà Ty có nước quanh năm là vì đáy sông thấp hơn mực nước biển. Khi dòng sông cạn, triều lên đẩy nước từ cửa biển Cồn Chà tới tận đập Phú Hội. Vì là nước triều từ biển tràn vào, nên sông Cà Ty là sông nước lợ. Và đâu đó trên dòng sông này, người ta vẫn thường thấy dân chài bủa lưới ven sông. Sản vật bắt được là cá, là tôm, là cua, là ghẹ… xuất xứ từ biển cả.
Mỗi sáng có dịp đi trên con đường dọc bờ sông, chúng ta dễ dàng cảm nhận cái không gian rất là
Phan Thiết .
Cà Ty mang làn gió mát, tạo nên cảm giác thanh bình. Buổi sớm mai, bên tách cà phê lắng đọng từng giọt mên man, người lữ khách được thưởng thức cái cảm giác lạ thường. Bỏ hết chuyện thế sự cho tâm hồn thảnh thơi. Một mình thỏ thẻ với dòng sông. Để rồi cả người lữ khách và dòng sông như tương đầu ý hợp. Cảm giác ấy hòa lẫn vào không gian mơ màng.
Hay đâu đó nơi bờ Nam bến Bắc, mấy bậc cao niên thả lòng mình nhẹ nhõm. Trải qua gần một đời người, họ như đã ngộ ra những điều bí nhiệm. Điều thầm kín mấy ai nói ra trước bằng dân thiên hạ. Nên chi hãy trải rộng cung lòng với dòng sông yêu thương. Để cho nỗi niềm riêng tỏ bày cùng dòng sông thủy chung. Hướng mắt nhìn về xa xăm, kỷ niệm một thời ùa về trong nỗi nhớ. Đối với họ, cuộc sống tĩnh tại là đây. Không vướng bận ưu phiền. Không đắn đo toan tính.
Các bậc cao niên có mặt ở đây vào mỗi buổi sáng, hầu hết, họ đã từng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Các cụ kể rằng, dòng sông Cà Ty ngày xưa khác lắm. Hai bên bờ toàn là cây mắm cây bần. Mọi thứ còn rất hoang sơ. Lúc ấy, từ cửa biển Cồn Chà ngược lên bến đò Văn Thánh có mấy xóm nhà chồ xan sát sống cạnh nhau. Ông Hoàng Thiên Thành – năm nay 75 tuổi ở đường Trưng Trắc phường Đức Thắng – kể: “Ngày xưa, đoạn sông trước nhà tôi không được rộng lắm. Hai bên có rất nhiều cây bần. Giữa sông có những cái rớ làm cá mỗi lần cất lên trông rất đẹp. Trước kia mới đầu nhà chồ lác đác thôi, sau đông dần lên. Hồi còn trai trẻ chiều chiều hay ngó ra xóm chồ thấy tâm hồn bâng quơ lắm!”
Quay về lịch sử, chúng ta biết rằng, hơn 300 năm trước, khi đến Phan Thiết lập nghiệp, người xưa đã thấy được lợi thế của dòng sông này. Nhận thấy đây là “vùng đất lành” dễ dàng làm ăn sinh sống, nên họ đã quyết định dừng chân lập nghiệp. Người đến trước thấy tình hình yên ổn lại về quê kêu gọi thêm họ hàng, bà con vào vùng đất mới tìm kế sinh nhai. Lưu dân miệt ngoài nương tựa đã biết nương tựa vào nhau trong cuộc mưu sinh nơi đất lạ quê người. Cứ thế, theo thời gian, hai bên bờ sông Cà Ty tập trung đông đúc dân cư và ngày nay trở thành phố thị.
Ngày trước,
Phan Thiết duy nhất chỉ có một cây cầu bắc qua con đường cái quan huyết mạch giữa thành phố. Đó là cầu Quan. Cầu quan ban đầu làm bằng gỗ. Nhưng sau bị trận lũ lịch sử năm Thìn 1952 cuốn trôi biền biệt. Một cây cầu mới được dựng lên. Rồi chiến tranh tàn phá. Người ta làm một cây cầu sắt thay thế. Trong thời kỳ đổi mới, năm 2002 tỉnh Bình Thuận đã cho xây một cây cầu mới hiện đại hơn. Cầu được làm bằng bê tông cốt thép. Bên trên được thiết kế kiểu cách dây văng hiện đại. Cầu được đặt tên mới là cầu Lê Hồng Phong cùng tên với con đường nối nhịp cầu đi qua.
Ngoài cầu Lê Hồng Phong, dòng
Cà Ty còn có cầu Trần Hưng Đạo và cầu Dục Thanh. Cầu Trần Hưng Đạo được xây dựng vào năm 1972 và tồn tại cho đến bây giờ. Còn cầu
Dục Thanh trước là cây cầu phục vụ chiến tranh do công binh Mỹ xây dựng trước năm 1975. Người dân địa phương vẫn thường gọi là cầu Mỹ. Sau giải phóng, Tỉnh Bình Thuận cho xây lại cầu bằng bê tông, rồi đặt tên mới là cầu Dục Thanh. Ở dưới chân cầu còn lại xóm nhà chồ cuối cùng trên dòng Cà Ty. Ngoài ra, sông Cà Ty còn có một cây cầu thứ tư nằm trên tuyến đường mới, sau khi Quốc lộ 1A được dời ra khỏi trung tâm Phan Thiết.
Có thể nói, nơi bến sông này đã chứng kiến biết bao sự đổi thay qua 300 năm lịch sử. Cảnh vật, cuộc sống con người nay đã có nhiều khác biệt. Ví như ngày trước bến bờ Cà Ty còn hoang sơ, thì nay đã được trang hoàng bằng những con đường dãy phố sầm uất. Nét hiện đại tô điểm hai bờ tả ngạn hữu ngạn của dòng sông. Sau nhiều đợt giải tỏa di dân và chỉnh trang đô thị, dòng Cà Ty sạch sẽthông thoáng hơn nhiều. Tuy nhiên, khi cái cũ mất đi rồi, người ta lại thấy nhớ. Dù gì cũng đã trải qua một thời đong đầy kỷ niệm. “Dòng sông Cà Ty ngày nay đã thông thoáng và sạch sẽ hơn. Nhưng thật sự mà nói, quang cảnh không có hồn, không có cái tình xao xuyến như ngày trước nữa. Ông Hoàng Thiên Thành tỏ bày.
Ngày nay, dòng
Cà Ty vẫn lửng lờ trôi. Dòng sông vẫn tĩnh tại trước bao sự đổi thay của thế cuộc. Nhiều người đã trải qua thời thơ ấu ở đây. Nên đối với họ, dòng
Cà Ty như một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Dòng sông sao mà quá êm đềm. Thân tình đến nổi một ngày không gặp là một ngày nhớ thương. Trên dòng
Cà Ty, ghe thuyền tấp nập. Những chiếc ghe bầu, ghe cá chạy bằng đệm buồm của ngày xưa đã được thay thế bằng những chiếc ghe máy có công suất lớn. Âm thanh của thời hiện đại rất dễ nhận ra qua tiếng máy nổ của ghe thuyền. Tại đây hằng ngày có hằng trăm ghe cá vào bờ cập bến. Cà Ty trở thành nơi trú đậu an toàn sau những chuyến đánh bắt xa khơi. Ngư dân neo ghe thuyền nghỉ ngơi và chuẩn bị cho hành trình kế tiếp. Ngoài hình ảnh ghe thuyền tấp nập, đâu đó trên dòng sông có những chuyến đò ngược xuôi đưa khách về bến. Hình ảnh mái chèo gợi lên biết bao là cảm xúc. Những người đưa đò đã chọn Cà Ty làm chốn mưu sinh. Họ là người dân Bình Hưng, Hưng Long, Đức Nghĩa, Đức Thắng… Bà Lê Thị Hảo năm nay 63 tuổi. Làm nghề đưa đò từ lúc 16 tuổi thiếu thời. Qua 47 năm, hôm nay dù tuổi đã nhiều, nhưng bà vẫn chưa muốn nghỉ. Bà tâm sự: “Một đời gắn bó với cây da bến nước này rồi, mến thương lắm cậu ơi! Bây giờ, già thì già, nhưng vẫn phải đưa đò. Không thì buồn lắm!” Tình cảm của người dân
Phan Thiết là thế đó. Họ đối với Cà Ty rất đổi mặn nồng. Một ngày biết đến nhau lòng còn quyến luyến, huống gì cả một đời người đã từng gắn bó với dòng sông. Hôm nay, dòng Cà Ty vẫn chảy miên man qua lòng thành phố. Chắc hẳn, dấu ấn một thời sẽ không thể phôi phai.