Từ khinh khí cầu, du khách có thể ngắm sa mạc, ao hồ, sông ngòi, ruộng đồng, làng quê, biển, rừng đến những khu đô thị đông đúc trong vòng một giờ bay.
Tham quan bằng khinh khí cầu khá phổ biến ở Việt Nam trong thời gian gần đây, chủ yếu mở vào một số dịp lễ hội tại Huế, Hội An, Đà Nẵng, Hà Nội, TP HCM, Mộc Châu… Tại Phan Thiết, du khách có thể đặt dịch vụ này một cách dễ dàng hơn vào một ngày bất kỳ trong năm, khi thời tiết thuận lợi.
Theo các chuyên gia, Phan Thiết là nơi lý tưởng để bay khinh khí cầu. “Nơi này được biết đến như thiên đường của những người lướt sóng, nhưng điều đáng ngạc nhiên ở đây là gió vào buổi sáng sớm rất lặng, nên bay khinh khí cầu khá an toàn”, Arturas, một phi công bay khinh khí cầu cho biết.
Trên ảnh là đoàn thuyền đánh cá đậu san sát nhau trên nhánh sông Cà Ty nhìn từ độ cao 300 m.
Có 2 loại khinh khí cầu 6 hoặc 8 người, giá 7 triệu đồng cho một khách. Tùy theo hướng gió, khinh khí cầu có thể xuất phát từ một trong hai điểm, vào lúc sáng sớm.
Điểm thứ nhất xuất phát từ quảng trường Nguyễn Tất Thành, khinh khí cầu sẽ đạt độ cao 300 – 500 m để ngắm nhìn toàn cảnh thành phố lúc bình minh, sau đó bay dọc bờ biển để đón mặt trời mọc trên biển và ngắm những đoàn tàu đánh cá trở về.
Đường phố Phan Thiết buổi sáng tinh mơ nhìn từ độ cao 300 m
Cuối cùng khinh khí cầu sẽ hạ cánh tại vùng thảo nguyên xã Tiến Thành với những cánh đồng thanh long trải dài bát ngát.
Điểm thứ hai bắt đầu từ cây xăng Hòa Thắng thuộc xã Hồng Lâm, khinh khí cầu sẽ bay trên mặt hồ Bàu Ông, Bàu Bà và lướt nhẹ trên đồi cát tại Bàu Trắng, cuối cùng hạ cánh tại Đồi Cát Trắng.
Khung cảnh đồng quê êm đềm của Phan Thiết từ độ cao 500m
Khinh khí cầu cất cánh trong khoảng thời gian từ 5h30 đến 6h, thời điểm tuyệt vời để đón bình minh.
Hành trình sẽ kéo dài trong một giờ bay tự do trên không trung và hạ cánh lúc 7h. Sau khi hạ cánh sẽ bắt đầu thực hiện nghi thức truyền thống cho người bay khinh khí cầu lần đầu. Tổng thời gian dự trù cho cả chuyến bay là 3 đến 4 tiếng.