Bánh tráng Chợ Lầu có thể không phải là cái tên quen thuộc nhưng với những người con của mảnh đất nắng, gió Bình Thuận, đây là món ăn gợi nhớ hương vị quê nhà. Bánh tráng được coi là đặc sản dân dã của Chợ Lầu chắc chắn sẽ khiến du khách hài lòng khi thưởng thức.
Dân dã vị quê
|
Bánh tráng cuốn tương nổi tiếng của Chợ Lầu, Bình Thuận. Ảnh:Tuoitre |
Thị trấn nhỏ Chợ Lầu (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) là nơi xuất xưởng những tấm bánh tráng dân dã, thơm ngon đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường từ trước năm 1945. Được giới thiệu như một làng nghề làm bánh tráng lâu đời trước đây, Chợ Lầu chỉ có 2 lò bánh tráng nhỏ. Ngày nay, trong làng nghề có tới gần 60 lò bánh lớn, nhỏ tập trung nhiều ở 3 thôn: Xuân An, Xuân Hợp, Hiệp Phước.
Giống như bánh tráng phồng của Tây Nam Bộ hay bánh tráng mè phố Hội, bánh tráng Chợ Lầu cũng được làm từ bột gạo nhưng mang hương vị đặc biệt khiến nhiều người dễ dàng nhận ra và “nghiện” vị dân dã đó. Từ lâu, bánh tráng Chợ Lầu đã trở thành món khoái khẩu của người dân nơi đây.
Nổi tiếng nhất là bánh tráng mè truyền thống. Ngoài ra còn có bánh tráng mỏng dùng để cuốn và ăn kèm nhiều đồ ăn khác như: rau (hành lá, rau răm), thịt, cá, măng, bơ, trứng, chả, rau chua (cải bắp, cà rốt ngâm giấm, củ kiệu muối) và tương ớt.
|
Những nguyên liệu phổ biến để làm bánh tráng cuốn tương Chợ Lầu. Ảnh:Tuoitre |
Cách đây vài năm, người dân Chợ Lầu đã sáng tạo ra món bánh tráng cuốn tương – một biến tấu từ bánh tráng mè và nhanh chóng trở thành món ăn vặt được nhiều người ưa thích.
Để làm bánh tráng cuốn tương khá đơn giản. Người ta sẽ quết một lớp bơ, tương ớt, mắm ruốc và trứng sống đã đánh tan lên miếng bánh tráng rồi đặt lên vỉ nướng trên bếp than, sau đó mới cho các nguyên liệu còn lại vào. Khi vỏ bánh và các nguyên liệu quyện với nhau dần tỏa ra mùi thơm hấp dẫn. Bánh tráng cuốn tương nướng xong được cuộn tròn lại và ngon nhất là thưởng thức lúc còn nóng. Miếng bánh giòn tan trong miệng, beo béo, cay cay, mặn chua vừa đủ, lại thơm mùi rau răm, hành khiến thực khách cứ xuýt xoa và muốn ăn thêm.
Kỳ công người thợ bánh
Nếu có cơ hội ghé thăm làng nghề bánh tráng ở Chợ Lầu, du khách sẽ thấy những những phên bánh tránh được phơi ở khắp nơi. Vào lò bánh, bạn còn được tận mắt chứng kiến những người thợ thoăn thoắt tráng bánh, lấy bánh từ khuôn hấp trải đều lên tấm phên một cách nhịp nhàng, thuần thục.
Là món bánh dân dã nhưng vào tay người dân Chợ Lầu khéo léo đã biến thành một thứ đặc sản nức tiếng. Để làm ra những chiếc bánh tráng ngon và đạt tiêu chuẩn cũng rất kỳ công, từ khâu xay bột, pha chế, rang mè, tráng bánh, phơi bánh đến kỹ thuật nướng bánh.
Bánh tráng được làm từ gạo tẻ do chính người dân Chợ Lầu trồng ra. Gạo được xay thành bột mịn, lọc đi nước chua rồi pha chế với nước sao cho bột bánh không loãng hay đặc quá.
Ngoài ra, để làm nên độ mỏng, dẻo, dai (và khó rách khi cuốn) đặc trưng của bánh tráng cuốn Chợ Lầu, người thợ còn pha thêm muối theo tỷ lệ nhất định. Bánh tráng dùng để nướng thì cho thêm cơm nguội hoặc xay nhuyễn mè đen rồi tráng thành 2 lớp chồng lên nhau để bánh dày hơn, khi nướng có mùi thơm ngon và để lâu vẫn không sợ mất mùi.
Không phải ai cũng có thể tráng bánh đúng tiêu chuẩn. Nếu bánh mỏng quá sẽ không dẻo, dày quá thì khi nướng không thơm, không phồng mà lại dễ bị cứng. Người thợ bánh cũng phải căn độ lửa (để liu riu thôi) nếu không muốn bánh bị cháy, tay tráng bánh phải nhanh, dẻo, đều thì bánh mới tròn, mỏng. Thậm chí việc gỡ bánh từ phên tre cũng phải thao tác rất nhẹ nhàng, cẩn thận. Ngay cả chuyện rang mè (vừng) cũng phải thật khéo để mè chín vừa thơm, không cháy.
Cũng như nhiều làng nghề thủ công khác, nghề làm bánh tráng Chợ Lầu cũng phụ thuộc mạnh mẽ vào thời tiết. Nếu không, gặp trận mưa lớn, bánh không phơi được, bột lại không để được lâu thì lại uổng phí công sức, tiền bạc.
Không chỉ là món ăn chơi trên bàn nhậu hay những quán quà vặt, bánh tráng Chợ Lầu còn đi sâu vào văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây và trở thành món ăn không thể thiếu trong dịp Tết. Bởi thế, chiếc bánh tráng Chợ Lầy dân dã, giản đơn ấy đã gói ghém, chứa đựng cả ân tình và nỗi nhớ với những người con xa quê khi nhớ về quê nhà và món bánh tuổi thơ.