Du lịch Kon Tum

Du lịch Kon Tum

Kon Tum là một trong 5 tỉnh thuộc Tây Nguyên. Nằm ngay ngã ba Đông Dương, có cửa khẩu sang Lào và Campuchia, Kon Tum còn được biết đến là mảnh đất “một con gà cất tiếng gáy, 3 nước đêu nghe”. Toàn bộ diện tích của tỉnh nằm phần lớn ở phía Tây dãy Trường Sơn.

Khí hậu Kon Tum có nét chung của khí hậu vùng nhiệt đới gió mùa của phía Nam Việt Nam, lại mang tính chất của khí hậu cao nguyên. chia thành 2 mùa mưa, khô rõ rệt. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 4 - tháng 11, mùa khô từ tháng 12 - tháng 3 năm sau. Nhiệt độ trung bình 22-23 độ C. Mặc dù đang ngày càng phát triển nhưng tỉnh Kon Tum vẫn lưu giữ được nhiều nét hoang sơ đặc biệt của văn hóa, con người và vùng đất cực Bắc Tây Nguyên. Những năm gần đây, Kon Tum đã trở thành một điểm khám phá rất hấp dẫn với các tín đồ ưa dịch chuyển.

Kon Tum cách TP. HCM khoảng 600km, cách Đà Nẵng (theo hướng quốc lộ 1A) 500km. Toàn tỉnh hiện có 1 thành phố (thành phố Kon Tum) và 9 Huyện (huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Kon Rẫy, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Konplong, Ia H’Drai).
Diện tích: 9.614 km². 
Dân số toàn tỉnh tính đến năm 2009 là 432.865 người.

Ngày nay dân cư tại đây phần lớn là người Kinh từ các địa phương khác đến định cư. Ngoài ra sống xen kẽ là vẫn là các dân tộc bản địa như Xơ-đăng, Ba Na, Giẻ-triêng, Ra-glai,… và các dân tộc thiểu số khác như Nùng, Hre, Brâu, Rơ Mâm…

Kon Tum – mảnh đất của thiên nhiên tuyệt đẹp và dấu tích văn hóa Tây Nguyên

Nhắc đến Kon Tum người ta sẽ nhớ ngay tới vùng đất thuộc cực Bắc của Tây Nguyên, nơi có ngã ba Đông Dương – một điểm trong danh sách cần check – in của giới phượt thủ. Đên Kon Tum bạn sẽ choáng ngợp vì đâu đâu cũng là màu xanh mát mắt của cây cối cùng “bạt ngàn cà phê, bạt ngàn cao su và bạt ngàn thông reo". Nơi đây cũng được mệnh danh là “vương quốc” của loài cây sâm đắng.
Kon Tum nổi tiếng với nét hoang dã của thiên nhiên còn lưu giữ tại vườn quốc Gia Chư Mom Ray. Cái thơ mộng, xanh mướt tại khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen – Đà Lạt 2 của Tây Nguyên. Đỉnh núi Ngọc Linh cao vời vợi – nơi phượt thủ luôn mong ngóng cơ hội chinh phục. Kon Tum cũng có hàng trăm những ngọn thác, suối nước nóng tự nhiên lớn, nhỏ khác nhau đi tận sâu vào núi rừng. Dòng sông Poko uốn lượn và dòng Dakbla hùng vĩ đã gắn bó với nhân dân Kon Tum trong suốt quá trình lịch sử giữ nước, ngày nay cũng góp sức bồi đắp phù sa, tạo nên một Kon Tum phồn thịnh như hôm nay.
Là cái nôi nuôi dưỡng đồng bào dân tộc Tây Nguyên từ xa xưa cùng lịch sử hình thành từng chịu sự cai quản của thực dân Pháp, Kon Tum có những công trình mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa địa phương và dấu ấn thời đại. Có thể nhắc tới như nhà Thờ Gỗ hơn 100 tuổi – tuyệt tác đứng vững với thời gian một công trình kiến trúc được thiết kế có sự giao thoa của kiến trúc Roman (Châu Âu) và kiến trúc nhà sàn của người Ba Na. 
Ngoài nhà Thờ Gỗ, bạn có thể ghé thăm Ngục Kon Tum, tòa Giám Mục, Cầu treo Konklor, Sông Dakbla, Chùa Bác Ái, quán cà phê Indochine của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa với thiết kế ấn tượng được xếp vào top 5 thế giới…

Vài nét về lịch sử hình thành tỉnh Kon Tum

Về tên gọi Kon Tum: Kon Tum theo tiếng Ba Na nghĩa là Làng Hồ (Kon là làng, Tum là hồ). Theo truyền thuyết, Kon Tum chỉ tên gọi ngôi làng gần một hồ nước cạnh dòng Đăk Bla mà hiện nay nằm ở thành phố Kon Tum.
Từ xa xưa, Kon Tum nguyên là một vùng đất sơ khai của các bộ tộc tự trị với sự sinh sống của các dân tộc bản địa gồm Xơ-đăng, Ba Na, Giẻ-triêng, Ra-glai, Brâu, Rơ Măm. Mỗi dân tộc gắn với một vùng cư trú khác nhau. Do vị trí vùng đệm giữa Chiêm Thành và Chân Lạp, các bộ tộc tại Kon Tum thường trở thành mục tiêu các cuộc cướp bóc và buôn bán nô lệ. Mãi đến thế kỷ 12, sau khi đánh bại được Chân Lạp, Chiêm Thành mới toàn quyền ảnh hưởng trên toàn vùng Tây Nguyên, đặc quyền đô hộ lên vùng này.
Năm 1471, sau khi vua Lê Thánh Tông chinh phạt Chiêm Thành, đẩy lùi chính quyền Chiêm Thành về phía Nam đã cử các sứ thần thu phục các bộ tộc ở Tây Nguyên và sáp nhập vùng đất này vào lãnh thổ của Đại Việt.
Năm 1840, triều đình Huế cho lập Bok Seam, một người Bana làm quan cai trị các bộ tộc Tây Nguyên, đồng thời cho phép người Kinh và bộ tộc được phép tự do quan hệ mua bán, trao đổi. Trong thời gian này, các giáo sĩ Thiên chúa giáo cũng tìm cách mở đường truyền đạo, trong đó đã lên tới Kon Tum và đặt cơ sở tôn giáo ở đây vào năm 1850.
Năm 1904, thực dân Pháp thành lập tỉnh Plei Ku Der, do công sứ Pháp là Leon Plantié nắm quyền cai trị, gồm hai tòa đại lý hành chính mơi thành lập là Kon Tum (thuộc Bình Định) và Cheo Reo (thuộc Phú Yên). Đến năm 1907, thực dân Pháp lại bãi bỏ tỉnh Plei Ku Der. Toàn bộ đất đai của tỉnh Plei Ku Der được sáp nhập trở lại hai tỉnh Bình Định và Phú Yên như trước đó. 
Năm 1913, chính quyền thực dân Pháp chính thức thành lập tỉnh Kon Tum, bao gồm đại lý hành chính Kon Tum tách ra từ Bình Định, đại lý hành chính Cheo Reo tách ra từ Phú Yên, và đại lý hành chính Buôn Ma Thuột. Kể từ đây, tỉnh Kon Tum trải qua nhiều lần phân chia, sáp nhập và thay đổi.
Sau Cách mạng tháng 8, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tổ chức lại tỉnh Kon Tum thành 4 đơn vị hành chính gồm các huyện Đăk Glei, Đăk Tô, Konplong và thị xã Kon Tum. 
Năm 1946, người Pháp tái chiếm lại Kon Tum và sau đó trao lại quyền kiểm soát về danh nghĩa cho Quốc gia Việt Nam để thành lập Hoàng triều cương thổ. 
Tháng 2 - 1954, Kon Tum là tỉnh đầu tiên và duy nhất ở Tây Nguyên hoàn toàn đặt dưới quyền kiểm soát của Việt Minh. 
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, phía Quốc gia Việt Nam tiếp quản Kon Tum. Năm 1958, bộ máy hành chính tỉnh Kon Tum được chia thành tòa hành chính Kon Tum - bộ máy hành chính cấp tỉnh, bên dưới gồm các quận Kon Tum, Đăk Tô, Konplong và Đăk Sút.
Năm 1974, quân Giải phóng tấn công tiêu diệt hoàn toàn các chi khu Đăk Pét, Măng Đen, Măng Buk. 
Ngày 16 - 3 - 1975, quân giải phóng và dân chúng trong tỉnh đã nổi dậy tấn công vào đầu não của Việt Nam Cộng hòa ở nội thị, chiếm được thị xã và toàn tỉnh Kon Tum.
Tháng 10 /1975, tỉnh Kon Tum sáp nhập với tỉnh Gia Lai thành tỉnh Gia Lai - Kon Tum.
Năm 1991, tỉnh Gia Lai - Kon Tum được tách thành 2 tỉnh mới là Gia Lai và Kon Tum. 
Năm 2009, thị xã Kon Tum được nâng cấp lên thành thành phố Kon Tum.

 

Phương tiện đi Kon Tum

Để di chuyển đến tỉnh Kon Tum từ các địa phương khác, du khách có thể sử dụng các phương tiện như: máy bay, oto, xe máy hoặc xe đạp (cùng cung đường với xe máy).

Phương tiện đi Kon Tum từ TP.Hồ Chí Minh

Xe máy
Từ trung tâm TP. HCM bạn đi theo quốc lộ 13 hướng về Bình Dương qua thị xã Thuận An, băng qua quốc lộ DT 743, rẽ vào DT742 qua thị xã Tân Uyên (Bình Dương). Từ đây bạn chạy theo đường DT 741 đến thị xã Đồng Xoài (Bình Phước)  thì gặp quốc lộ 14. Bạn cứ chạy thẳng men theo quốc lộ này sẽ gặp Đăk Nông, qua Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk). Từ Buôn Mê Thuột, chạy theo hướng quốc lộ 14 khoảng 114km sẽ đến với địa phận tỉnh Gia Lai. Từ đây bạn đi qua thành phố Pleiku và chạy tiếp khoảng 105km sẽ đến được địa phận tỉnh Kon Tum. Quãng đường này tầm khoảng 571km.
Nếu đi vào thời điểm tháng 12, tháng 1 dương lịch bạn sẽ thấy dọc theo 2 bên đường quốc lộ 14 là màu vàng rực của hoa dã quỳ, sự đan xen của những cây thông lá kim, màu xanh bạt ngàn của cây cối, màu trắng của hoa cà phê nở sớm, những cánh rừng cao su tít tắp đuổi mãi tới chân trời. Bầu trời cao vời vợi, gió mát, thông reo… Tất cả chỉ khiến bạn muốn ở lại Tây Nguyên mà không trở về.

Ô tô/Xe khách
Từ thành phố HCM đi Kon Tum bằng oto sẽ có xe ghế ngồi và giường nằm cho bạn lựa chọn. Khoảng cách: 559 km. Thời gian di chuyển: 11 – 12 tiếng. Thời gian xuất phát: từ 16:00 – 4:30 mỗi ngày. Giá vé trung bình: khoảng 285.000đ/ lượt. Các nhà xe phục vụ tuyến đường này là: xe Minh Quốc, xe Việt Tân, xe Long Vân, xe Tây Nguyên, xe Tư Phầu, xe Việt Tân Phát, xe Đồng Tiến, xe Trường Giang, xe Nhật Tân, xe Phượng Thu Sài Gòn…
Nhà xe Minh Quốc: Địa chỉ - 32 Huỳnh Lan Khanh (số cũ 64/18 Phổ Quang) Phường 2- Quận Tân Bình - TP HCM (gần chùa Phổ Quang). Tel: 0905 823 279. Tổng đài: 0603 855 855.
Nhà xe Việt Tân Phát: Địa chỉ - 171 Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Hotline đặt vé: 08 37 270 039.
Xe Long Vân: Địa chỉ - quầy 77, Bến xe Miền Đông, 292 Đinh Bộ Lĩnh, p.26, quận Bình Thạnh, TP.HCM.  Hotline đặt vé: 1900 7070 hoặc 1900 969681.
Xe Tây Nguyên: Địa chỉ - quầy 22, Bến xe Miền Đông, 292 Đinh Bộ Lĩnh, p.26, quận Bình Thạnh, TP.HCM.  Hotline đặt vé: 060 391.8888.
Xe Tư Phầu: Địa chỉ - Bình Thạnh, TP.HCM. Hotline đjăt vé: (060) 386.3999.
Xe Trường Giang: Địa chỉ -  Bến xe Miền Đông, 292 Đinh Bộ Lĩnh, p.26, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Hotline đặt vé: 0914 248 457.
 Xe Nhật Tân: Địa chỉ - Bến xe Miền Đông, 292 Đinh Bộ Lĩnh, p.26, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Hotline đặt vé: 0903 183 939.
Xe Phượng Thu Sài Gòn: Địa chỉ - Bến xe Miền Đông, 292 Đinh Bộ Lĩnh, p.26, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Hotline đặt vé: 0987790099.
Xe Thuận Phát: Địa chỉ - Bến xe Miền Đông, quầy 30, 292 Đinh Bộ Lĩnh, p.26, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Hotline đặt vé: 0603881882.
Xe Đồng Tiến: Địa chỉ - Bến xe Miền Đông, 292 Đinh Bộ Lĩnh, p.26, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Hotline đặt vé: 0982.512.323 hoặc 0982.520.707.

Máy bay
Hiện nay từ thành phố Hồ Chí Minh đi Kon Tum bạn sẽ hạ cánh tại sân bay Pleiku (Gia Lai), sau đó di chuyển tiếp khoảng 50km nữa tới Kon Tum bằng taxi hoặc xe bus (do tỉnh Kon tum chưa có sân bay). Có 4 chuyến bay/ ngày từ TP. HCM đi Kon Pleiku. Thời gian bay trung bình khoảng 1h05 phút. Mỗi ngày Viettnam Airlines có 2 chuyến, Vietjet và Jestar mỗi hãng 1 chuyến. Chuyến bay TP.HCM – Pleiku sớm nhất vào lúc 8:40 của hãng Jestar, muộn nhất là chuyến lúc 19h45 của hãng Vietnam Airlines.  Riêng ngày thứ 7, Jestar sẽ đổi giờ bay lên 9:30. Vietnam Airlines có chuyến muộn nhất là vào lúc 9:35 vào các ngày từ thứ 3 đến chủ nhật.

Phương tiện đi Kon Tum từ Đà Nẵng

Xe máy
Từ Đà Nẵng đi Kon Tum với phương tiện là xe máy bạn có thể đi theo con đường ngắn nhất như sau: Từ trung tâm TP. Đà Nẵng, bạn di chuyển khoảng 4,5 km đi theo hướng Nguyễn Hữu Thọ đến Cách Mạng Tháng 8/QL14B tại Khuê Trung. Rẽ phải tại trạm xăng vào Cách Mạng Tháng 8/QL14B và đi khoảng 57 km.  Sau đó bạn cứ đi dọc theo QL14B và nhập vào đường Hồ Chí Minh/ QL14 khoảng 168km. Tiếp tục men theo QL 14E khoảng 60km nữa sẽ đến được đường Trần Hưng Đạo, phường Quyết Thắng, Thành phố Kon Tum. 
Cách 2 - qua QL14E và Hồ Chí Minh/QL14:
Đi theo hướng Nguyễn Hữu Thọ, qua cầu Nguyễn Tri Phương và Phạm Hùng đến QL1A (tại Hòa Phước) khoảng 9,7 km. Đi tiếp QL1A đến Hương An. Đi dọc theo ĐT611 và Ngô Quyền đến QL14E (tại Quế Thọ) khoảng 26,6 km. Men theo QL14E và QL14 khoảng 233 km, bạn sẽ đến được đường Trần Hưng Đạo, phường Quyết Thắng, Thành phố Kon Tum.
Cách 3: đi qua quốc lộ 1A:
Đi theo Nguyễn Hữu Thọ, Cầu Nguyễn Tri Phương và Phạm Hùng đến QL1A (tại Hòa Phước) khoảng 9,7 km. Đi tiếp QL1A đến Bình Long, tầm 104 km. Tiếp tục đến Tịnh Bắc chừng 20,3 km.  Đi dọc theo QL24B đến ĐT623/ĐT630A tại  Thị Trấn Di Lăng khoảng 30,7 km. Đi tiếp ĐT623. Đi theo Trường Sơn Đông đến QL24 (tại Kon Plông) khoảng 77,4 km.  Tiếp tục đi dọc theo QL24 sẽ đến Trần Hưng Đạo tại Quyết Thắng, Thành phố Kon Tum.

Ô tô/Xe khách

Từ Đà Nẵng đi Kon Tum có khoảng cách: 388 km. Hiện có các nhà xe phục vụ tuyến đường này là: xe Minh Quốc, xe Việt Tân, xe Mai Linh... Số lượng chuyến xe: khoảng 7 chuyến/ ngày. Thời gian di chuyển: 8 tiếng. Thời gian xuất phát: từ 16:00 – 4:30 mỗi ngày. Giá vé trung bình vào khoảng 180.000đ/ lượt.
Xe Minh Quốc: Địa chỉ: Phòng vé số 16, Bến xe Trung tâm Đà Nẵng. Tổng đài: 0603 855 855
Xe Mai Linh: Giá vé khoảng 160k/ lượt, 1 ngày có 4 chuyến. Xuất phát từ bến xe Trung tâm, số 201 đường Tôn Đức Thắng. Bạn có thể liên hệ với tổng đài đặt vé qua hotline: 0511 3792929.
Xe Việt Tân:  Địa chỉ: bến xe Trung Tâm Đà Nẵng, Quầy 36, 201 Tôn Đức Thắng, P. Hòa An, Thanh Khê, TP. Đà Nẵng. Tổng đài đặt vé: 1900 7070 hoặc 1900 969681.
Máy bay:
Từ Đà Nẵng đi Kon Tum (hạ cánh ở Pleiku và di chuyển lên Kon Tum khoảng 50km bằng taxi, bus) có 3 chuyến mỗi tuần của hãng hàng không Vietnam Airlines cung cấp. Thời gian bay: 1h10 phút. Các chuyến bay rơi vào ngày thứ 3, thứ 5 (xuất phát lúc 11h30) và thứ 7 (xuất phát lúc 11h25). Ngoài ra sẽ còn có 1 chuyến bay quá cảnh tại TP. HCM để bạn lựa chọn.

Phương tiện đi Kon Tum từ Hà Nội

Xe máy

Đi theo Xã Đàn và Giải Phóng đến QL1A tại Hoàng Liệt, sau đó đi theo ĐCT Hà Nội - Ninh Bình/ĐCT01, QL1A, QL1,QL1A,... và QL14 đến Trần Hưng Đạo tại Quyết Thắng, Thành phố Kon Tum.

Oto/Xe khách

Từ Hà Nội đi Kon Tum có khoảng cách: 1075 km. Thời gian di chuyển mất khoảng 25 giờ. Giá vé trung bình: 600.000đ/ lượt. Số lượng chuyến xe: khoảng 4 chuyến/ ngày. Hiện tại các nhà xe đang phục vụ tuyến đường này là xe Việt Tân, xe Đăng Khoa, xe Hồng Anh…
Xe Việt Tân: Địa chỉ - Bến xe Nước Ngầm, Km số 8, đường Giải Phóng, Phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Hotline: 1900 7070 hoặc 1900 969681
Xe Đăng Khoa: Địa chỉ - Bến Xe Giáp Bát, Km số 6, đường Giải phóng, Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Tổng đài đặt vé: 0905010269.
Xe Hồng Anh: Địa chỉ - bến Xe Mỹ Đình, 20 Phạm Hùng, Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Tổng đài đặt vé: 0982.30.30.30.

Máy bay

Do tỉnh Kon Tum chưa có sân bay nên bạn sẽ hạ cánh tại sân bay Pleiku, sau đó di chuyển lên Kon Tum bằng xe bus hoặc taxi.
Có hơn 2 chuyến bay mỗi ngày từ Hà Nội đi Pleiku. Chuyến bay sớm nhất là vào lúc 9h40 của Vietnam Airlines rơi vào ngày thứ 5. Vào thứ 4,6, chủ nhật giờ bay sẽ đổi lên 10h45. Chuyến bay muộn nhất trong ngày cũng của Vietnam Airlines là vào lúc 19h00 (ngày thứ 7). Vào các ngày khác, chuyến bay muộn nhất do Vietjet thực hiện vào lúc 18h00. Riêng hãng Jestar chỉ có 3 chuyến bay mỗi tuần, xuất phát lúc 14h30 vào các ngày thứ 4, thứ 6 và chủ nhật.

Phương tiện để di chuyển từ sân bay Pleiku đi Kon Tum:
Taxi: có rất nhiều taxi tại sân bay Pleiku để đưa đón du khách. Giá xe đi khoảng 200.000 đ/lượt tùy khoảng cách bạn cần di chuyển. Bạn có thể ghép đoàn 4 người/ chuyến để có giá rẻ hơn (khoảng 50.000đ / người).
Xe bus: tuyến đường từ sân bay Pleiku đi Kon Tum và ngược lại có thời gian hoạt động từ 5:30 – 17:00. Tần suất 30 phút/chuyến. Giá vé từ khoảng 35.000đ trở lên, tùy chặng.

 

Điểm tham quan ở Kon Tum

Thoạt tiên cái tên: “Kon Tum” nghe có vẻ xa lạ và không có gì nổi bật. Kỳ thực nơi đây có rất nhiều điểm tham quan du lịch đặc biệt cho bạn khám phá. Bạn sẽ ngạc nhiên về những điều bạn sẽ biết khi ghé thăm nơi đây. 

Các địa điểm nổi bật nên ghé thăm tại Kon Tum là: Nhà Thờ Gỗ 100 tuổi, Ngục Kon Tum, vườn quốc gia Chư Mom Ray, Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, Ngã Ba Đông Dương, tòa Giám Mục, Nhà Rông Konklor, Cầu treo Konklor, Sông Dakbla, Chùa Bác Ái, quán cà phê Indochine của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa với thiết kế ấn tượng được xếp vào top 5 thế giới…

Nhà Thờ Gỗ Kon Tum (nhà thờ chính tòa Kon Tum)
Đến Kon Tum, bất cứ một du khách nào cũng sẽ mong được một lần ghé thăm nhà thờ Gỗ - công trình trăm tuổi – kiến trúc trường tồn mãi với thời gian – niềm tự hào của thành phố Kon Tum. Tại đây bạn sẽ ngất ngây với những góc hình quá ấn tượng. Công trình tuyệt đẹp làm bằng gỗ này là sản phẩm kết hợp bởi kiến trúc Roman (Châu Âu) và kiến trúc nhà sàn của người Ba Na. Chính vì thiết kế độc đáo và vẻ đẹp lộng lẫy, Nhà Thờ Gỗ trở thành điểm đầu tiên để lựa chọn chụp ảnh cưới của các cặp uyên ương.
Vị trí: Nhà thờ gỗ Kon Tum nằm trên đường Nguyễn Huệ, Tp. Kon Tum. 
Mở cửa: tự do.

Ngã Ba Đông Dương
Nhắc đến 4 cực, 1 đỉnh, 1 ngã 3 mà mọi phượt thủ đều mong muốn chinh phục thì không thể không nhắc đến ngã Ba Đông Dương - nơi đất trời của 3 quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia cùng giao nhau.
Có 2 cách để lên cột mốc. Cách thứ nhất, khi đến ngã ba có biển bên phải chỉ Lào, bên trái chỉ Campuchia, nếu đi ô tô thì cứ chạy bên phải vào thẳng cửa khẩu Bờ Y, xin phép các anh bộ đội biên phòng rồi lên cột mốc sẽ được các anh ấy hướng dẫn. Cách thứ 2, nếu đi xe máy thì các bạn đi hướng còn lại, đi thẳng vào đoạn đường đất. 
Vị trí: Ngã Ba Đông Dương nằm cách thành phố Kon Tum 91km về phía Tây Bắc. Bạn có thể đi theo quốc lộ 14E đến xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
Mở cửa: tự do.

Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen
Măng Đen nằm cách thành phố Kon Tum 53km về phía Tây Nam, thuộc xã Đăk Long, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.  Sau khi bạn đã vượt qua 12km đường đèo ngoằn ngoèo nhưng tuyệt đẹp, Măng Đen sẽ dần lộ ra ở độ cao 1100m và ôm trọn bởi một đồi thông. Được mệnh danh là Đà Lạt 2 của Tây Nguyên, Măng Đen có vô số những hồ nước xanh ngắt, hàng loạt các thác nước lớn nhỏ khác nhau, những biệt thự lộng lẫy với màu sắc ấn tượng, những cây thông lá kim e ấp và cái se lạnh mùa xuân của một nơi có khí hậu 4 mùa. Đến Kon Tum, nhất định bạn phải ghé thăm Măng Đen để biết rằng thiên nhiên Việt Nam còn có những nơi tuyệt vời đến thế.
Vị trí: xã Đăk Long, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum
Mở cửa: Tự do.

Vườn quốc gia Chư Mom Ray
Vườn quốc gia Chư Mom Ray, nguyên là khu bảo tồn thiên nhiên Chư Mom Ray, thuộc tỉnh Kon Tum, là một vườn quốc gia trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam. Được đánh giá là có vốn rừng vô cùng phong phú và quý giá, vượt xa các vườn quốc gia hay khu bảo tồn khác ở Việt Nam, Chư Mom Ray là hệ sinh thái mang tính điển hình của khu vực Đông Nam Á. Tại đây vẫn còn tồn tại một lượng khá lớn các loài thú cực kỳ quý hiếm như trâu rừng, bò rừng banteng, bò tót và có thể có cả bò xám... Đây cũng được coi là vương quốc khỉ, vượn vì nhiều loài khỉ, vượn quý hiếm có tên trong sách đỏ đều tập trung tại đây. 
Vị trí: nằm cách thị xã Kon Tum khoảng 30km về hướng Tây Bắc, tọa lạc trên địa phận của 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi. 
Mở cửa: chưa cập nhật

Quán Cà phê Indochine
Đến Cà phê Indochine, bạn sẽ vô cùng ấn tượng bởi một không gian cà phê thoáng đãng mát mẻ khiến du khách có cảm giác như hòa trọn vào thiên nhiên bởi gió mát tự nhiên và tiếng nước chảy róc rách. Lấy cảm hứng từ một chiếc nơm cá úp ngược, kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa đã cho ra đời một quán cà phê vô cùng độc đáo, nổi tiếng thế giới và lọt top 5 công trình của năm do tạp chí kiến trúc ArchDaily bình chọn và đề cử  năm 2014. Toàn bộ công trình có thiết kế chủ đạo là hình chữ nhật, bao quanh bằng một hồ nước nhân tạo mà ở giữa lòng hồ là những gốc cây cổ thụ, ngoài cùng là những hàng hoa sứ thẳng tắp tạo nên một vẻ đẹp tự nhiên, thông thoáng. Mái của công trình được lợp bởi những tấm sợi thủy tinh và lớp mái vọt tự nhiên phía dưới để chống nóng và được đỡ bởi 15 cụm tre hình nón ngược. Kết cấu có một không hai này cho phép nhận được những cơn gió mát thổi vào mùa hè, đồng thời chịu được bão lốc vào những mùa mưa. Indochine chính là một trong những biểu tượng – niềm tự hào lớn nhất của người dân Kon Tum. Đây cũng là 1 địa điểm trong to do list không thể thiếu của những người đam mê khám phá.
Vị trí: 30 Bạch Đằng, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum.
Mở cửa: từ 6:00-23:00.

Nhà Rông Kon K’lor
Trong văn hóa Tây Nguyên, nhà Rông là ngôi nhà cộng đồng, dùng làm nơi tụ họp của dân làng trong các buôn làng đồng bào dân tộc. Tại Nhà Rong Kon  K’lor, bạn sẽ được tận mắt chứng kiếm và khám phá một trong những nét văn hóa đặc sắc của người bản địa.
Vị trí: Đến trung tâm thành phố Kon Tum, bạn di chuyển đến cuối đường Trần Hưng Đạo, tới sát khu vực bờ sông Đăkbla sẽ gặp ngay nhà Rông Kon K’lor.
Vào cửa: tự do.

Nhà Ngục Kon Tum
Ngục Kon Tum được Pháp xây dựng từ năm 1905 - năm 1917. Ngục Kon Tum có rãnh sâu xung quanh dài 150m, rộng 100m. Toàn bộ nhà ngục được xây theo kiểu pháo đài Vauban xưa của Pháp thuộc thế kỷ 17. Với vị trí địa lí và kiến trúc “độc đáo”, rất khó để tù nhân vượt ngục, ngục Kon Tum trở thành nơi giam giữ của nhiều tù chính trị nổi tiếng. 
Vị trí: Để đến Di tích Ngục Kon Tum, xuất phát từ đường Phan Đình Phùng, di chuyển về hướng Tây Nam khoảng 1km, cuối đường Trương Quang Trọng, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum.
Vào cửa: chưa cập nhật

Dốc Đầu Lâu
Dốc Đầu Lâu, hay còn được gọi là điểm Cao 601 cách Thành phố Kon tum chừng hơn 15 cây số về phía bắc. Tại đây có rất nhiều cây gỗ trắc.
Cái tên này được hình thành khoảng từ sau 1972 khi quận lị ĐăkTô đã được giải phóng. Tháng 4/1972, trên đường triệt thoái về Kon Tum, quân VNCH bị phục kích và thương vong nặng nề. Sau ngày giải phóng miền Nam, những xác chết chỉ còn trơ lại đầu lâu và xương cốt. Những người qua lại đã gom nhặt, đem lên đỉnh dốc chất thành từng đống rồi nhặt những cục đá xung quanh kè lại để không bị mưa gió cuốn trôi. Từ đó người ta gọi đây là dốc Đầu Lâu.
Vị trí: QL14E, Đăk La, Đăk Hà, Kon Tum.

Tòa Giám mục (Chủng viện thừa sai Kon Tum)
Toà giám mục Kon Tum được xây dựng vào năm 1935, là sự kết hợp hài hoà giữa lối kiến trúc phương Tây với lối kiến trúc dân tộc bản địa truyền thống. Ngoai hàng trụ dưới sàn nhà làm bằng xi măng cốt thép, toàn bộ công trình được xây dựng bằng các loại gỗ quý có khả năng trường tồn với thời gian.
Vị trí: 56 Trần Hưng Đạo, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum.
Vào cửa: tự do.

Di tích chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh
Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh là dấu tích của chiến trường ác liệt nhất trong khu vực Tây Nguyên. Đây là căn cứ mạnh nhất của Mỹ và quân nguỵ Sài Gòn ở Bắc Tây Nguyên, được giải phóng vào mùa hè đỏ lửa tháng 4/1972.
Vị trí: nằm trên một quả đồi có độ cao 600m, cách thị trấn Đăk Tô 1km về hướng Tây Nam, nằm trên quốc lộ 14 đoạn từ thị trấn Đăk Tô đi huyện Ngọc Hồi. 
Vào cửa: tự do.

Chùa Bác Ái
Chùa Bác Ái  được xây dựng từ năm 1932, thuộc hệ phái Bắc Tông. Được biết chùa nguyên là Âm Linh miếu, là nơi thờ tự hàng vạn người ở miền Trung Trung Bộ bị hạn hán phải kéo nhau lên Kon Tum kiếm sống, bị chết đói dọc đường vào năm Tân Mùi. Chùa được vua Bảo Đại sắc phong: “sắc tứ Bác Ái tự”.
Vị trí: Chùa tọa lạc ở thành phố Kon Tum,  Phía Đông giáp đường Trần Phú, phía Tây giáp đường Mạc Đĩnh Chi, phía Nam giáp đường Phan Chu Trinh, phía Bắc giáp đường Bà Triệu.
Vào cửa: tự do.

Ngục Đăklei
Ngục Dakglei là nơi giam giữ những tù nhân phục vụ lao dịch làm Quốc lộ 14, trong đó có nhiều chiến sĩ cách mạng và những vị lãnh đạo chủ chốt của cách mạng như Tố Hữu, Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân, Huỳnh Ngọc Huệ… Đến năm 1945 khi Nhật đảo chính Pháp, tù chính trị đã phá vỡ ngục trở về tiếp tục hoạt động cách mạng. Hiện nay nếu đến thăm di tích ngục Daklei bạn sẽ thấy xung quanh là bạt ngàn rừng xà nu, hai bên đường dốc cỏ xanh um tươi mát.
Vị trí: cách thị trấn Đăklei 20km về hướng Bắc, nằm trong khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Linh, TL673, Đắk Choong, Đắk Glei, Kon Tum.
Vào cửa: chưa cập nhật

Làng Văn Hóa Kon K'Tu
Đây là nơi sinh sống chủ yếu của người dân tộc Ba Na. Kon K’Tu là niềm kiêu hãnh của người Ba Na vì làng giàu có về vật chất mà bởi làng vẫn giữ được những nét cổ kính, hùng vĩ và hoang sơ. Cho tới nay, làng vẫn duy trì được những đội cồng chiêng, đội múa Xoang và các lễ hội truyền thống. Đặc biệt, đến Kon K’Tu, du khách sẽ có cơ hội khám phá nét văn hóa nguyên gốc của nhà dài, nhà sàn cùng không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại).
Vị trí: cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 8km về phía Đông.
Vào cửa: tự do.

Cầu treo Kon Klor
Đến Tây Nguyên bạn sẽ thấy một nét đặc sắc của vùng đất này là những chiếc cầu treo dập dềnh nối hai bờ sông. Kon Klor ở Kon Tum là chiếc cầu treo công nghiệp to đẹp nhất khu vực Tây Nguyên, nối liền hai bờ của dòng sông Đăk Bla, nơi có huyền thoại dòng sông chảy ngược về Tây của đất Tây nguyên, chảy từ Quảng Ngãi về đến thuỷ điện Yaly, nối thị xã Kon Tum và vùng kinh tế mới. 
Vị trí: Làng Kon Klor, TP. Kon Tum.
Vào cửa: tự do

Ngoài những điểm nổi bật kể trên, đến Kon Tum bạn còn có thể ghé thăm thác bảy tầng – Thác Nàng Tiên ở Chư Mom Ray (huyện Đaklei), Thác Đăk Nghé, Thác Pa Sỹ (Măng Đen – xã Đăk Long, huyện KonPlong),  Suối nước Nóng Đăk Lung (xã Côn Đào, huyện Đăk Tô),…

 

Phương tiện đi lại tại Kon Tum

Do các điểm tham quan tại Kon Tum cách xa nhau nên phương tiện thuận tiện nhất để khám phá các cảnh đẹp tại đây là xe máy hoặc ô tô. 

Xe máy

Tại Kon Tum để thuê xe máy, bạn hãy hỏi dịch vụ của khách sạn, nhà trọ. Giá vào khoảng 100.000 – 120.000đ /xe. Thủ tục thuê xe rất đơn giản, chỉ cần khách có CMND, bằng lái. Xe thuê từ 6h sáng đến 7h30 tối cùng ngày sẽ được tính là một ngày. Khách thuê hai ngày trở lên thì được giữ xe qua đêm và có thể thỏa thuận về thời gian đi / trả theo ý muốn.

Xe bus

Tại Kon Tum sẽ có hãng Xe bus Thái Hòa - cứ 30 phút có 1 chuyến, giá vé từ 10.000đ - 35.000đ (tùy chặng đi). Các điểm đến là Kon Tum - Gia Lai, Kon Rẫy, Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi.

Taxi

100 - 200.000đ/ chuyến (tùy khoảng cách di chuyển). Ở Kon Tum có taxi Mai Linh (060 3838383), taxi Vinh Sơn (060 38585855), taxi Bích Lan (060 868686) và taxi Huy Hoàng (060 865964).

Mẹo nhỏ: bạn có thể ghép đoàn khoảng 4 người đi chung taxi, mỗi người tốn khoảng 50.000đ.

 

Ăn uống ở Kon Tum

Cũng như bất cứ một mảnh đất nào khác, Kon Tum cũng có những món ăn đặc sản làm đắm lòng du khách mỗi lần ghé thăm. Đến Kon Tum du lịch mà chưa nếm thử 1 trong các món dưới đây, thì chưa phải đã đến Kon Tum!

Gỏi lá
Nhắc đến Kon Tum, món đặc sản đầu tiên nhất định bạn phải thử đó là gỏi lá. Gỏi lá được chọn từ hơn 40 loại lá khác nhau, từ những loại lá thơm quen thuộc đến các loại lá rừng Tây Nguyên phải tìm kiếm thật kì công mới có. Mỗi lá lại có một tác dụng chữa bệnh khác nhau. Nào là lá lộc vừng, sâm đất, hồng ngọc, mơ, ổi, đinh lăng, sung, trâm, mã đề, diếp cá, lá lốt, chó đẻ răng cưa, quế, húng, thuyền đất, cải cay… Được biết, nếu ăn nhiều gỏi lá sẽ rất tố cho sức khỏe. Món gỏi lá được xếp ra giữa bàn với một “rừng lá”. Bạn xếp lá thành hình phễu, sau đó cho thịt ba chỉ, tôm rang và các gia vị khác cuộn vào, chấm với nước mắm làm từ hèm rượu trộn với trứng vịt, cộng thêm miếng ớt, miếng hành cay cay, ăn đến lạ miệng. Sau vài cuốn gỏi, ai nấy đều có vẻ ngất ngây, như say rượu vậy, ăn một lần sẽ nhớ mãi. Nên chọn khu vực ngồi dưới đất để thưởng thức đúng vị gỏi lá của đồng bào Tây Nguyên.
Địa chỉ 1: Gỏi lá ÚT Cưng, 45 Trần Cao Vân, TP. Kon Tum.

Địa chỉ 2: Dub Gỏi Lá - Sức Sống Mới tại 21 Trần Cao Vân, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum.

Xôi Măng Kon Tum
Một trong những món không thể không nếm qua khi đến Kon Tum là xôi măng. Xôi được đồ từ gạo nếp ngon (ngâm trước đó với bột nghệ để có lớp áo màu vàng ươm đẹp mắt). Khi dùng bạn sẽ được cho thêm món ăn kèm như ruốc, vừng hoặc cá kho theo khẩu vị của người dân bản địa.
Xôi măng tuy có cách làm đơn nhưng không phải ai cũng làm được cho đúng vị. Ở Kon Tum bạn chỉ có thể tìm được hai quán xôi măng ngon. 
Địa chỉ: số 59 Lê Lợi, Kon Tum.

Cơm Lam
Nhắc đến Tây Nguyên không thể không nhắc đến cơm lam. Đây là món cơm nấu từ gạo nếp bằng cách chọn một ống nứa non thật đẹp, gạo nếp dẻo, trắng, thơm lừng nấu chung với nước suối trong. Sau khi đã cho tất cả vào ống nứa thì nó sẽ được nút lại và cho lên bếp lửa nướng. Nếu ai đã từng một lần nếm loại cơm lam này sẽ không bao giờ quên được mùi thơm lừng phảng phất của nứa và nếp dẻo cuộn quanh. Miếng nếp khi được bóc ra từ ống nứa lúc này đã chín vàng, dẻo dẻo dai dai dần tan ra trong miệng, thực khách cảm tưởng như đang được thưởng thức một thức quà tiến vua đậm chất núi rừng.
Địa chỉ 1: Khu du lịch Măng Đen - thôn Măng Đen, xã Đắk Long, huyện Kon Plong.

Địa chỉ 2: Quán Cơm lam Dakbla - 168 Nguyễn Huệ, Phường Quyết Thắng, Kon Tum.

Đến Kon Tum thưởng thức món cá gỏi kiến vàng độc, lạ
Thoạt nghe tới tên món ăn, nhiều người sẽ cảm thấy sợ, nhưng khi được ăn rồi sẽ lại muốn ăn nữa. Đây là món ăn phổ biến của người Rơ Mâm. Cá suối bắt loại vừa phải, bằng ba ngón tay, đem về làm sạch, băm nhuyễn, vắt cạn nước. Kiến vàng chọn ổ kiến non, còn cả trứng, đem giã nhỏ. Lấy muối hột, ớt xanh, tiêu rừng trộn chung cá và kiến vào, thêm chút thính gạo rang cháy xém cho dậy mùi. Khi ăn lấy lá sung cuốn lại vừa miếng, vị ngọt của cá suối hòa vào vị béo của kiến non, vị cay xé của tiêu, ớt  chắc chắn sẽ khiến bạn phải tấm tắc không thôi.
Địa chỉ: huyện Sa Thầy, Kon Tum.

Heo Măng Đen quay
Đây là món ăn được chế biến từ heo rẫy của dân tộc bản địa mà bạn chỉ có thể thưởng thức được khi lên Măng Đen. Heo được nuôi bằng thức ăn tự nhiên của núi rừng nên thịt săn chắc, thơm ngọt và rất bổ dưỡng. Heo được làm sạch, bỏ nội tạng; sau đó tẩm ướp gia vị cũng được lấy từ núi rừng như ủ nén, ngò gai, gốc mùi, sả, ớt và đem quay nguyên con bằng lửa than cho đến khi da vàng giòn rộm.
Địa chỉ: Khu du lịch Măng Đen - thôn Măng Đen, xã Đắk Long, huyện Kon Plong, Kon Tum.

Dế chiên
Nếu như đồng bào Tây Bắc nổi tiếng với món thắng cố, thì Kon Tum nổi tiếng với món dế chiên độc đáo. Có dịp nếu đến Kon Tum bạn đừng quên thưởng thức món đặc sản kì lạ này. Có rất nhiều loại dế nhưng để chế biến món ăn thì chỉ có dế cơm mới tuyệt cú mèo. Cách chế biến như sau: Đầu tiên dế bắt về được rửa sạch, để ráo nước, sau đó cho vào chảo dầu đang sôi chiên lên. Bằng cách đó các bộ phận như đầu, chân… của dế trở nên giòn tan, còn phần thân dế lại không mất đi vị béo ngậy vốn có. Tiếp đó, để món dế có thêm hương vị, người ta nêm các loại gia vị và hco thêm sả, lá chanh, vào rang chung và phải rang thật nhanh để lá chanh không bị mất đi màu xanh. Thời điểm để thưởng thức: tầm tháng 8, tháng 9 dương lịch hàng năm.
Địa chỉ: các quán ăn trên đường Bà Triệu, đường Phan Đình Phùng, đường Trần Phú…

Phở khô
Món phở khô khi đến Kon Tum đã được biến tấu một cách linh hoạt. Vị thơm của hành khô, vị đạm của thịt bằm, vị ngọt của nước dùng từ xương, thịt bò trụng vừa tái… hòa quyện vào nhau, tạo nên một món phở thật đậm đà, thanh ngọt. Thưởng thức phở khô nhất định không thể thiếu được tương đen với cái vị mằn mặn nhưng vẫn hơi ngòn ngọt của đậu được lên men đủ độ, và mùi thơm ngầy ngậy rất dễ chịu. Khi ăn, cho tương đen, ớt sa tế, nước tương, một lát chanh và trộn đều lên. Các loại rau ăn kèm là xà lách, ngò gai, húng quế, thêm dĩa giá tươi sẽ làm cho món phở trở nên hoàn hảo nhất.
Địa chỉ: Phở 54 - 93, Phan Chu Trinh, thành phố Kon Tum hoặc Phở khô - quán Cây Bàng - đường Bà Triệu.

Ngoài các món kể trên, đến Kon Tum bạn cũng có thể có cơ hội thưởng mì muối chua, cá chua và các món thịt trâu, thịt dê, cà đắng… những món ăn dân dã nhưng đậm đà dư vị trong đời sống thường ngày của người dân Kon Tum.

 

Mua sắm ở Kon Tum

Kon Tum là mảnh đất sinh sống của đồng bào dân tộc bản địa với nhiều nét văn hóa đặc sắc. Các món ăn thức uống, đồ lưu niệm cũng mang đậm chất núi rừng “Giàng ơi”.

Rượu cần Kon Tum 
Rượu cần là một loại đồ uống thường xuyên xuất hiện trong cuộc sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc ở Kon Tum. Người dân nơi đây thường dùng rượu cần vào các dịp lễ tết, lễ tế thần linh, các ngày hội lớn hay dùng để đãi khách quý. Thật thiếu sót nếu đặt chân đến Kon Tum mà lại không thưởng thức một chút hương vị vừa thơm cay vừa dịu ngọt của loại rượu này. Rượu cần Kon Tum được làm bằng nghệ thuật chưng cất rượu truyền thống và một loại men rượu đặc biệt. Hiện nay, rượu cần được bán rất nhiều ở thành phố Kon Tum nên việc mua được một hũ rượu về làm quà không còn là điều khó khăn như nhiều năm về trước.
Địa chỉ: Dọc tuyến đường ra cầu treo Kon Klor - cây cầu treo lớn nhất Kon Tum có bán rất nhiều rượu cần của các nghệ nhân tự tay chế biến.

Chuối ép khô Kon Tum
Từ một loại quả thông thường, chuối được sáng tạo thành một đặc sản riêng biệt: chuối ép khô. Chuối ép khô Kon Tum có vị thơm ngọt tự nhiên của chuối chín cộng thêm vị của nước đường pha với gừng, phía trên bề mặt có rắc thêm những hạt mè trắng nhỏ li ti. Đây là món ăn bình dân được rất nhiều du khách đến đây lựa chọn để làm một món quà ý nghĩa để tặng bạn bè, người thân.
Địa chỉ: bạn có thể dễ dàng mua chuối sấy tại các cơ sở sản xuất ở đường Phan Chu Trinh hoặc đường Nguyễn Văn Linh, Tp. Kon Tum.

Măng le Kon Tum
Đây là loại măng ngon nhất được lựa chọn từ rất nhiều loại măng trong rừng. Vào mùa mưa, đồng bào địa phương khi đi làm rẫy về sẽ thường tiện đường ghé bẻ đầy một gùi măng mang về ăn hoặc bán. Măng le khi còn tươi có thể dùng để luộc rồi chấm nước mắm, xào, làm gỏi. Ngoài ra chúng còn có thể làm măng sấy khô để dành. Đối với  khách du lịch đến Kon Tum, nếu trở về với thức quà là măng le - một loại đặc sản “không phải muốn là có” thì có thể nói không còn gì ý nghĩa hơn nữa.
Địa chỉ: Bạn có thể dễ dàng mua măng le ngay ở các khu họp chợ nếu đến Kon Tum vào đúng mùa.

Cà Phê
Đến Kon Tum, một thức quà không thể không nghĩ đến đó chính là cà phê. Đây là món quà quý và đậm chất Tây Nguyên nhất cho người thân khi bạn đi du lịch trở về. Bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng cà phê  Đăk Hà - Kon Tum là thương hiệu cà phê lớn đạt chuẩn quốc tế và rất nổi tiếng khi xuất khẩu ra thế giới. Trước khi ra về, bạn cũng có thể ghé một quán cà phê để thưởng thức ly cà phê đen đá không đường đậm chất Tây Nguyên nhé.
Địa chỉ: mua cà phê rang xay ngay tại cơ sở sản xuất là điều tuyệt vời còn gì bằng. Bạn có thể đến cơ sở sản xuất cà phê tại Đăk Uy - Đăk Hà - Kon Tum.

Thổ cẩm 
Thổ cẩm Kon Tum là một món quà đặc biệt khi bạn đến du lịch nơi đây, bởi lẽ những món đồ dệt bằng thổ cẩm nơi đây đều do tự tay các nghệ nhân tự tay dệt thủ công mà nên. Cầm trên tay và mân mê một miếng thổ cẩm, bạn sẽ cảm nhận được sự tinh tế, sắc sảo, trong từng đường nét được dệt, mang đậm nét truyền thống của đồng bào các Dân tộc thiểu số. Vào các làng văn hóa, bạn sẽ có cơ hội nhìn tận mắt quá trình dệt vải của các nghệ nhân lành nghề cao tuổi nhất.
Địa chỉ: bạn có thể mua thổ cẩm tại thôn Đăk Răng, xã Đăk Dục (huyện Ngọc Hồi); làng Plei Tơ Nghia, phường Quang Trung (TP. Kon Tum) hoặc làng Kon Kor, phường Thắng Lợi (TP. Kon Tum) đều được.

Share

Comments

Related

Du lịch Bảo Lộc

Du lịch Bảo Lộc

Bảo Lộc ( hay còn gọi là cao nguyên B’lao) là một thành phố của tỉnh Lâm Đồng. Trước đây Bảo Lộc được biết đến là một huyện, sau này được tách ra thành thị xã Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Đến 2010 thị xã Bảo Lộc được công nhận thành thành phố trực thuộc tỉnh Lâm Đồng.

Du lịch Campuchia

Du lịch Campuchia

Campuchia – đất nước chùa tháp nổi tiếng và là điểm du lịch không thể bỏ qua khi du lịch đến Đông Nam Á. Nếu du khách muốn chiêm ngưỡng nét cổ kính của các khu di tích đền chùa, tận hưởng vẻ đẹp hùng vĩ và nên thơ của các biển hồ, trải nghiệm cảm giác thư giãn, nghỉ ngơi bên các bãi biển xinh đẹp thì Campuchia là một lựa chọn tuyệt vời. Cùng khám phá Campuchia qua các điểm đến nổi tiếng dưới đây nhé.

Du lịch Myanmar

Du lịch Myanmar

Nằm trong khu vực Đông Nam Á, Myanmar (Burma/ Miến Điện) là một vùng đất vàng, giàu lịch sử và văn hoá. Không phải là điểm đến lý tưởng cho những ai đang tìm kiếm các dịch vụ sang trọng, nhưng đất nước này lại là địa điểm hàng đầu cho những ai muốn trải nghiệm và khám phá nền văn hóa bản địa. Do mới chỉ mở cửa cho khách du lịch quốc tế bước vào những năm gần đây, nên mọi thứ ở đây dường như vẫn giữ nguyên vẹn màu sắc vốn có của nó

Du lịch Thái Lan

Du lịch Thái Lan

Thái Lan là một đất nước thuộc khu vực Đông Nam Á sẽ đem đến cho bạn nhiều trải nghiệm du lịch nhất: thiên nhiên kỳ thú, lịch sử và văn hóa phong phú, người dân cực kì thân thiện, đặc biệt ẩm thực rất phong phú về màu sắc cũng như hương vị. Đối với nhiều khách du lịch, Thái Lan là bước đột phá đầu tiên để đặt chân vào Đông Nam Á. Đây cũng là chuyến đi đầu tiên đầy cảm hứng, mở ra một hành trình dài với nhiều chuyến đi kế tiếp.

Du lịch Hong Kong

Du lịch Hong Kong

Hong Kong là đặc khu hành chính trực thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) được nhiều người Việt Nam biết đến với tên gọi Hương Cảng. Nơi đây là một hải cảng phồn thịnh và là một điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua đối với nhiều du khách Việt Nam.

Du lịch Phan Rang

Du lịch Phan Rang

Nổi tiếng là vùng đất đầy nắng và gió, Phan Rang – Ninh Thuận là nơi ẩn chứa nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Cảnh quan thiên nhiên nơi đây khá phong phú đa dạng: biển Cà Ná, biển Ninh Chữ, di tích Tháp Chàm, vịnh Vĩnh Huy… không chỉ thế, Phan Rang – Ninh Thuận có vị thế rất thuận lợi.

Du lịch Malaysia

Du lịch Malaysia

Nằm trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia là một quốc gia Hồi giáo khá bảo thủ. Tuy vậy, nước này vẫn có sự giao hòa văn hóa của nhiều nền tôn giáo và dân tộc khác nhau: Hindu giáo, Hồi giáo, Phật giáo, văn hóa của người Mã Lai bản địa, văn hóa của người Hoa, văn hóa của người Ấn, pha trộn thêm dấu ấn văn hóa phương tây.

Du lịch Đài Loan

Du lịch Đài Loan

Đài Loan là tên gọi của một hòn đảo và một quần đảo tại Đông Á, bao gồm đảo Đài Loan và một số đảo nhỏ hơn xung quanh như quần đảo Bành Hồ, Lan tự, Lục đảo, Kim Môn, Mã Tổ (Ngoài khơi Phúc Kiến), đảo Thái Bình và quần đảo Đông Sa (Biển Đông). Tây Bắc giáp Trung Quốc, Đông Bắc giáp Nhật Bản, Đông Nam giáp Philippines.

Du lịch Đà Nẵng

Du lịch Đà Nẵng

Đà Nẵng - mảnh đất có non nước hữu tình bởi thiên nhiên ban tặng cùng với sự năng động và sức trẻ trong mình - đang dần tô đậm hơn vị trí của nó trên bản đồ du lịch Việt Nam, khu vực cũng như thế giới. Thành phố biển thơ mộng này được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam, bởi lẽ nó sở hữu những cái lạ độc nhất vô nhị mà không nơi nào trên giải đất hình chữ S có được.